Một chút nhạc cho chút cảm xúc )):

-------------

-------------

(Cảnh báo: rất dài, kéo xuống cuối đọc tóm tắt (tldr) nếu cần)

“Nắng vàng góc phố
Hoa nghiêng dài trong mắt
Và thu nhẹ trôi rất êm…”

Rất nhiều người đã từng nghe qua những lời hát trên, cũng rất nhiều người nhận ra đây là lời của bài Chiều nay không có mưa bay, nhưng chắc không nhiều người biết rằng vốn bài này được viết bởi Châu Minh Tuấn (26/05/1988 – 12/2/2012), với nickname khigiadn88 (khỉ già dn 88, “dn” là Đà Nẵng, nơi anh sinh ra, “88” là năm sinh), chứ không phải là của Trung Quân. Châu Minh Tuấn ra đi trong một tai nạn giao thông khi còn rất trẻ, chỉ còn lại những bản nhạc anh viết vẫn còn đi theo năm tháng.

Phố vắng (Deserted street) - Tung-Monster
11/2009
Với những thứ liên quan đến nghệ thuật, tôi thường thích tìm hiểu khá kĩ. Nguồn gốc ra đời, tiểu sử tác giả, những điều ảnh hưởng đến tác giả khi tạo nên một tác phẩm,… tất cả đều có thể thay đổi cái cách một người thường thức tác phẩm đó. Ngày trước khi tôi nghe mẹ tôi hay hát “Lối cũ ta về”, tôi không có quá nhiều điều để nghĩ ngoài việc bài hát rất hay và làm cho tôi có cảm thấy có một nỗi buồn khắc khoải đằng sau từng câu chữ. Sau nhiều năm tôi mới mày mò tìm hiểu và biết nhạc sĩ Thanh Tùng vốn nguyên quán ở Nha Trang, Khánh Hòa, song lớn lên ở Hà Nội và gặp vợ là một cô gái Hà thành. Hai người có nhiều kỉ niệm nơi Hà Nội. Bài hát là những lời tâm tư đầy nước mắt của nhạc sĩ với người vợ đã mất của mình. Với Chiều nay không có mưa bay cũng vậy, bản gốc của Châu Minh Tuấn trình bày chỉ với một cây guitar, tạo nên một cảm giác rất nhẹ nhàng và dịu êm, và thực sự thì tôi chưa từng nghe bản của Trung Quân hát bao giờ.

Những điểm tương đồng về cảnh vật được nhận thấy giữa bức tranh và ảnh 3D map của google, được chụp vào tháng 10 năm 2018

Những người vốn biết bài hát trên của Châu Minh Tuấn chắc chắn đã từng ghé qua video của anh trên youtube, nơi thu bản ghi do anh đệm đàn và hát (chứ không phải chỉ đệm đàn). Đây cũng là nơi đánh dấu lần đầu tiên tôi gặp Phố vắng.

Phố vắng là một bức tranh, khi đó được dùng làm background, cũng là thumbnail cho video Chiều nay không có mưa bay, vốn là một bản mp3 của khigiadn88 upload lên youtube. Bức tranh là một tác phẩm thuộc thể loại digital painting. Để mà nói thì, tôi là một thằng tuy học Dược khô khan nhưng lại thích digital painting, từ mấy tác phẩm vốn hơi hướng nsfw của Sakimichan hay Nixeu cho đến những bức anime về phong cảnh. Có thể là do tranh phong cảnh vẽ bằng digital painting luôn tạo cho người xem một cái gì đấy huyền ảo và buồn. Và tôi biết là không phải chỉ riêng tôi mới thế, vì có rất nhiều những video trên youtube kiểu “Những bản LoFi nhẹ nhàng cực chill”, “Top những bài hát US – UK hay nhứt”, “Những bản nhạc buồn hay nhất”… đều có thumbnail là những tác phẩm thuộc kiểu digital art, hay trên pinterest, các trang web dạng collection tranh ảnh để làm hình nền laptop, điện thoại,… cũng đều có rất nhiều tác phẩm kiểu này.

Sự kết hợp giữa những giai điệu chứa nhiều cảm xúc cùng với một bức tranh cũng gợi nhiều cảm xúc là những thứ làm chúng ta thực sự rất chill. Tưởng tượng trong một buổi trời buồn, cuộc sống thì cứ trượt dài trong khi công việc thì nặng nề, ta nhẹ nhàng tìm một góc nhỏ, thở dài khoan khoái để đẩy hết những xô bồ từ sâu bên trong ra, và lắng nghe những tiếng nhạc chất chứa, lại được ngắm những bức vẽ đầy hư ảo, như là một cách để sạc lại năng lượng cho bản thân vậy.

67 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
19/2/2021

Về những bức ảnh như thế, thường thì khi tôi vô tình thấy có bức ảnh nào đẹp, tôi sẽ search google hình ảnh, tìm file gốc có độ phân giải cao nhất để lưu vào máy, cất một góc đại loại là khi nào cần sẽ lôi ra ngắm hoặc dùng làm hình nền cho máy tính, điện thoại, hoặc có thể tôi sẽ cứ để mãi như vậy.
Thời điểm đó, tức là cái lần đầu tôi gặp Phố vắng, là đầu năm 2016. Những ấn tượng ban đầu về bức tranh đã nảy nở ngay trong tôi từ cái nhìn đầu tiên. Tranh vẽ cảnh một cô gái với những bước chân có phần hối hả trên vỉa hè một con phố, trên lưng là ba lô và chú cừu Shawn. Cảnh vật rất huyền ảo đến lạ kì và chứa một cái gì đó làm cho tôi khó tả (cơ bản vì tôi không giỏi văn nên không nói rõ được cảm xúc tôi lúc ngắm tranh là gì). Về phần cô gái thì tôi đoán là người châu Á vì tuy không nhìn được mặt nhưng dáng người khá là quen thuộc. Mọi thứ dừng lại ở đó và không có gì làm tôi quyến luyến thêm. Thứ thu hút tôi hơn lúc đó là bài hát phát kèm.

Một thời gian sau, vẫn trong năm đó, tôi đụng lại bức tranh vài lần, cũng là vào những dịp ngẫu nhiên, và tôi chợt nhận ra cái việc làm tôi thấy ấn tượng và khó tả ở đây đơn giản là do cảnh vật trong bức tranh rất quen thuộc. Vỉa hè, hàng cây, những căn nhà với biển số nhà màu xanh, chiếc xe Dream dựng sát tường với tấm biển 4 số, một cái gì đó xa xa giống như bốt cảnh sát (thực sự đó có phải là bốt cảnh sát hay không thì lúc đó tôi không biết),… Và tôi nhận ra, đây đúng là Hà Nội rồi. Hồi đó, cuối 2016, tôi đã lên Hà Nội học, và thoáng nhìn cảnh vật tôi cũng biết được đây là Hà Nội.
Phải nói thật là, lúc đó tôi cực kì ngạc nhiên. Vì một bức digital painting vốn được sử dụng làm chất liệu cho rất nhiều những chủ đề trên mạng cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài, được rất nhiều cư dân mạng trong và ngoài nước biết đến, lại là tranh vẽ một con phố ở Hà Nội, và cô gái trong tranh có lẽ cũng là người Việt Nam. Thực sự thích thú, tôi đã cố gắng tìm file HD của bức tranh và lưu lại trong máy. Những câu hỏi đầu tiên nảy nở: Ai vẽ bức tranh này? Là cảnh thật hay chỉ là tưởng tượng ra? Nếu cảnh trong tranh là Hà Nội, vậy đó là chỗ nào của Hà Nội? Và… yepp mọi thứ lại dừng lại ở đó. Nghe cụt đúng không? Nhưng thực sự lúc đó sự tò mò mới chỉ nảy nở và chưa đủ làm tôi thấy bứt rứt. Tôi gác lại một bên.

Bốn năm sau…
Tháng bảy năm ngoái, trong một lúc tôi đang quá chán vì ôn thi môn cuối của kì 2 năm 4, khi mà bộ nhớ tạm đã quá tải và nội dung môn học thì chán ngắt, và tôi thì lại vô tình chạm mặt bức tranh, sự tò mò đủ lớn cộng với việc đang không có việc gì làm, tôi quyết định tìm thông tin về bức tranh, mọi thứ bao gồm thông tin về tác giả, thời gian vẽ, địa điểm thực sự của nó, thông tin về người trong tranh,… Phải nói là trong bốn năm, đã có nhiều lần tôi và Phố vắng lại gặp nhau, có lúc qua mạng, có lúc là khi tôi dọn lại ổ cứng máy tính để xóa đi những thứ linh tinh (mà thường là slide môn đã thi), nhưng do những lúc đó tôi đang có việc để làm nên không để ý lắm. Lần này thì khác, lần này thực sự tôi muốn bỏ công để tìm, bất chấp việc tôi đánh mất thời gian ôn thi.
Dùng google hình ảnh để search, tôi được trả về một lượng kết quả cực lớn với vô vàn ngôn ngữ từ Anh, Trung, Hàn, Nhật, Nga, đến cả A Rập,… Tuy nhiên, không mất quá 15 phút để tôi tìm đến một đường link deviantart của một nghệ sĩ với nghệ danh Tung-Monster (yepp đây chính là tác giả của bức tranh) kèm với lời nhắn của anh tới người xem: “Ai đó dịch tựa đề "Phố Vắng" sang tiếng Anh giúp tớ nhá 🙁 ko biết dịch sao 🙁 The scene is from a street in Ha Noi (does anyone realize where it is?)”. Một số người đã vào dịch tên và cuối cùng cái tên tiếng Anh chính thức cho bức tranh là Deserted street.

Bài viết được đăng vào 31/01/2010 và bức tranh thì đã được vẽ vào tháng 11 năm 2009. Phố vắng được vẽ bởi Lê Thanh Tùng (nghệ danh Tung-Monster) (hình như những người tên Tùng trừ tôi ra ai cũng giỏi và có tài trong nghệ thuật. Nhìn mà xem từ đầu bài viết đến giờ tôi đã nói tới hai người tên Tùng rồi, còn chưa kể đến nhiều người nổi tiếng tên Tùng nữa), trong một lần anh cùng bạn gái ra thăm Hà Nội. Người trong tranh chính là bạn gái cũ của anh. Vẻ đẹp thơ mộng và huyền ảo của cô gái đi dưới hàng cây lá rụng trên vỉa hè Hà Nội, qua bàn tay của anh và digital painting đã gây ấn tượng cho rất nhiều dân mạng, và tác phẩm trôi nổi trên mạng, qua rất nhiều nơi, được dùng trong rất nhiều bài đăng, dùng làm background cho rất nhiều video. Có lẽ, một điểm làm cộng hưởng cảm xúc có được từ Phố vắng và Chiều nay không có mưa bay là cả hai đều diễn tả rất thơ mộng cảnh góc phố (dẫu là những thành phố khác nhau) trong cùng một thời điểm của năm, đó là cuối thu – đầu đông, thời điểm mà cảnh vật Hà Nội vốn rất nhạy cảm và dễ chạm vào lòng người. Về phía cô gái trong tranh, tôi cũng đã tìm ra thông tin và cả ảnh của chị ấy. Và điều làm tôi thấy hơi buồn vào thời điểm tôi khám phá ra là hiện nay, tác giả và người trong tranh, cả hai đều đã có gia đình riêng, hướng đi riêng.

Gần như mọi thứ đã rõ. Tuy nhiên có một vấn đề tôi chưa giải đáp được, đó là “does anyone realize where it is?” – con phố trong bức tranh là nơi nào ở Hà Nội? Link deviantart đó có đến khoảng 800 bình luận, và không một bình luận nào cho tôi được câu trả lời xác đáng. Có một người có đề cập đến phố Hồ Xuân Hương, nhưng phố Hồ Xuân Hương quá nhỏ và hoàn toàn không giống trong tranh.

Đến lúc này thì sự tò mò đã rất lớn rồi. Các bạn hiểu cái cảm giác không biết thì không sao, nhưng khi biết đến 90 % rồi thì cái 10 % còn lại chưa biết thực sự làm tôi khó chịu. Tôi lục tung mọi thứ liên quan đến tác giả và tác phẩm, kể cả mọi bài post của anh trên behance, artstation, deviantart,… mà đều không có thông tin gì giá trị liên quan. Quay trở lại phần google hình ảnh, tôi tìm được một link dẫn đến voz cũng có một thread bàn luận về vấn đề này nhưng không ai đưa ra được đáp án. Đến lúc này, tôi quyết định dựa vào một số thông tin cung cấp trong tranh.

Đầu tiên, tôi thử sức với hàng cây và vỉa hè rộng. Đó là thứ tôi để ý đầu tiên. Đây cũng là thứ giúp tôi loại trừ cái đáp án Hồ Xuân Hương, vì thực sự tôi thấy Hồ Xuân Hương phố rất nhỏ và vỉa hè rất hẹp. Với hàng cây và vỉa hè rộng, lúc đó tôi nghĩ đến một vài con phố, tuy nhiên Hà Nội có quá nhiều con đường như vậy. Dãy lan can bên trái bức tranh gợi cho tôi về Kim Mã, tuy nhiên Kim Mã rất dài và là đường một chiều với dải phân cách cố định. Tôi cũng không rõ rằng trước đây hơn 10 năm, Kim Mã hồi đó là đường hai chiều hay không, và nếu giả sử khung cảnh trong tranh đúng là Kim Mã, thì là đoạn nào của Kim Mã? Tôi thử google map, dùng 3D map chạy dọc Kim Mã. Không có kết quả nào tích cực được trả về. Tôi hỏi một người mà tôi biết là cô ấy nắm rõ nhiều đoạn đường ở Hà Nội, cô ấy cho rằng cái thứ xa xa kia là bốt cảnh sát và cổ nghĩ đoạn này là Phan Chu Trinh, tuy nhiên tôi đã qua Phan Chu Trinh và tôi không nghĩ vậy.

Không thu thêm được thông tin gì, tôi quay sang biển quảng cáo ghi chữ “OSR” màu cam trên nền trắng. Search google ba chữ cái đó và tôi được trả về thông tin OSRAM, là một Công ti nước ngoài chuyên sản xuất và phân phối bóng đèn. Tiếp tục search cụm “osram” “hà nội”, tôi mong được trả về một thông tin có ích đại loại như trụ sở của hãng này ở đường X, Y nào đó, tuy nhiên kết quả không như tôi mong muốn. Trên bản đồ Hà Nội hiện tại chỉ xuất hiện 2 địa điểm liên quan, một là 91 Nguyễn Chí Thanh – một con đường vốn là đường một chiều từ rất lâu, và địa điểm còn lại là trong một ngõ ở đường Giải Phóng, cũng không đúng. Tôi cố gắng thử nhìn biển số con Dream dựng sát tường và dịch dòng chữ trên tấm biển quảng cáo phía xa hơn, nhưng đều không được. Mọi thứ lại bế tắc.

Cần phải nhấn mạnh là tôi đang tìm một con phố dựa vào hình ảnh của nó hơn 10 năm về trước, được mô tả trong một bức digital art cực kì huyền ảo và thậm chí không ngoại trừ khả năng đã được fantasize bởi tác giả. Mọi thứ thực tế có thể vẫn còn nguyên, hoặc có thể đã thay đổi rất khác, hoặc vốn nó đã khác so với trong tranh nếu như tranh không mô tả trung thực. Con ngõ tôi đang sống từ hồi tôi mới lên đại học cho tới bây giờ đã khác lắm rồi, dù chỉ gần 5 năm trôi qua. Bố tôi là người rất thạo đường phố, mà ông còn không nhận ra nổi cái ngõ dẫn vào nhà trọ của tôi. Thời gian có lẽ đã phủ kín những dấu tích xưa của Hà Nội dưới một diện mạo mới, làm tôi cảm thấy việc tự mình đi tìm là rất khó khăn. Tôi nghĩ đến một cách khác thay vì cứ ngồi lục lọi thông tin trong vô vọng.

Tôi lên xe và đi ra đường. Công việc của tôi có liên quan tới đi lại nhiều. Tôi quyết định trong thời gian tôi đi làm, tôi sẽ để ý nhiều hơn nhà cửa, cây cối xung quanh. Việc này thực sự khó, tôi đã dự trù trước. Trong tranh, mọi thứ nhìn rất quen thuộc bởi vì có rất nhiều nơi ở Hà Nội có cảnh từa tựa như thế. Tôi nghĩ rằng nếu có một thứ trong tranh làm tôi dễ nhận ra nó ở ngoài đời nhất, có lẽ sẽ là tấm biển quảng cáo OSRAM nền trắng chữ cam, dẫu tôi không nghĩ là sau hơn 11 năm, tấm biển vẫn còn nguyên trạng.

Những tháng sau đó là quãng thời gian vừa làm việc vừa học vừa “theo đuổi đam mê” một cách điên rồ. Tôi không nói cho một ai về việc tôi đang làm, đúng hơn là tôi có kể với một vài người rằng “Tao sẽ đi thử khắp Hà Nội để tìm ra con đường trong tranh này” theo kiểu đùa đùa cho vui, chứ chắc họ không nghĩ tôi đi thật. Hoàn Kiếm là quận tôi tập trung nhất, với suy nghĩ nếu một đôi đang đi dạo khi đến thăm Hà Nội thì chẳng có lí do gì họ đi dạo ở một nơi thiếu tính du lịch và dịch vụ cả. Phố cổ cùng những vùng lân cận sẽ là điểm cần tập trung tìm kiếm. Tuy nhiên “phố cổ” và “những vùng lân cận” tôi nghĩ tới là cả một mảnh đất rộng liên quan tới ít nhất là 5 quận của Hà Nội. Và tất cả những gì tôi cần tìm ra là một tấm biển quảng cáo nhỏ không biết hiện tại có còn tồn tại hay không.

Nhiều tháng trời làm mà không ra sản phẩm, tôi nghĩ cách khác. Một buổi tối, tôi viết một bài viết lên một group kín, một group được lập ra nhằm mục đích chuyên trả lời những câu hỏi về mọi mặt của cuộc sống. Rất nhiều người đã đưa ra những kết quả cụ thể và khá xác đáng, mà phần lớn đều cho rằng con phố trong tranh là Kim Mã. Song, cũng không ai xác nhận 100 % cho tôi được, mà chỉ dừng lại ở mức “hình như”, “có vẻ”. Cũng có một vài ý kiến về những phố khác, nhưng tôi không nhớ rõ.

Tôi không nhớ rõ là bởi, khi thread được tầm vài chục comment, sâu có nông có, tôi quyết định đi ngủ (vì lúc ý đã 2h sáng) và dự định sáng hôm sau sẽ vào đọc để thu thập thông tin. Đến sáng hôm sau, tôi lướt mạng và không thấy bài viết của tôi đâu. Hóa ra là mấy ông bà admin đã xóa vì bài viết thiếu hashtag và có lẽ là họ đã comment nhắc nhở tôi thêm tag đi nhưng tôi không trả lời (hoặc cũng có thể họ xóa luôn chứ không thèm nhắc, vì tôi ngủ thì biết gì đâu). Mất vài phút ngáo ngơ, tôi thở dài xong cũng mặc kệ. Tôi nghĩ tôi cũng sẽ không viết lại một bài tương tự nữa.

Không phải là tôi chán hay nản gì mà không viết. Sự thực là sau tối hôm đó, đọc các comment, tôi nhận ra rằng, nếu thực sự những dữ kiện cần có để chứng minh như hàng cây, hàng lan can bên trái, tấm biển, bốt cảnh sát,… đều đã biến mất theo thời gian, thì tôi không có bất cứ thông tin gì để xác nhận được, kể cả kết quả có hợp lí đến mức nào đi nữa. Thậm chí, giả sử con phố đó là Đại La chẳng hạn, thì giờ nhà cửa cũng bay hết chứ đừng nói chỉ là tấm biển hay hàng cây. Có vẻ như không ai có thể xác nhận cho tôi một cách chính xác địa điểm đó được, ngoại trừ một người.

Điều này dẫn tôi tới một quyết định cuối cùng, hướng đi cuối cùng: hỏi trực tiếp tác giả.
Tôi đã nghĩ về điều này ngay từ khi tìm thấy thông tin của tác giả, và trong suốt quãng thời gian kể từ tháng bảy năm 2020 cho đến đầu tháng hai năm nay, tôi đã nhiều lần nghĩ đến chuyện liên hệ để hỏi. Nhưng tôi nhìn nhận nước đi này như một nước đi cuối cùng, nước đi xấu nhất phải đi. Có nhiều lí do làm tôi thấy ngần ngại. Thứ nhất, tôi đã biết được thông tin về anh Tùng và cô gái trong bức ảnh, về mối quan hệ của họ hồi đó và bây giờ. Giờ anh đã có gia đình nhỏ của anh, chị cũng đã có gia đình nhỏ của chị, và tôi hỏi về một chuyện trong quá khứ như thế nếu không khéo thì sẽ thành bất lịch sự. Thứ hai, tôi thích cái cảm giác tự mình tìm kiếm hơn, và chỉ nên nhờ vả người ta khi đã hết cách. Song, đó là những suy nghĩ trong khi tôi còn năng lượng để tìm kiếm. Còn hiện sau vài tháng đánh bóng khá nhiều con đường ở Hà Nội, tôi thấy thực sự là tôi đã hết hướng để đi. Sự tò mò thì ngày một lớn và đã nuốt chửng những ngại ngần. Tôi thực sự cảm thấy mình không có một hướng nào để đi tiếp, cộng với việc 10 năm là một sự thay đổi rất lớn để có thể nhận ra được sự giống nhau giữa trong tranh và ngoài đời. Tôi quyết định gửi thư đến mail của tác giả, một bức thư với văn phong lịch sự, với tâm thế một người đi tìm hiểu tác phẩm mong muốn một lời giải đáp từ người sáng tạo ra tác phẩm, và tôi mong anh sẽ không thấy phiền cũng như không thấy tôi vô duyên. Bức thư được gửi vào 08/02/2021.

Suốt cả tuần đó tôi không thấy hồi âm. Về phần tôi, mọi thứ vẫn ổn. Tôi đã liệu trước viễn ảnh không có hồi âm rồi. Tôi nghĩ cũng đơn giản thôi vì đang là trước Tết, ai ai cũng bận và gác công việc sang một bên để, nếu không phải là tận hưởng niềm vui bên gia đình, thì cũng là dọn dẹp, lau những bộ bàn ghế tủ kệ toàn là rồng phượng. Lúc đó, tôi cũng không check mail thường xuyên được, thường thì cuối ngày tôi sẽ check một lần để xem có thông tin gì mới không, thì thấy toàn của shopee 😕 Tết năm nay cũng không giống những năm trước. Dịch giã lung tung phức tạp làm tôi chẳng đi được đâu nhiều. Từ mùng 2 Tết, tôi nằm nhà ngoan như con cún, cả ngày chỉ nằm xem Netflix, thi thoảng gõ vài bài liên quan công việc. Việc rảnh rỗi làm cho thời gian dài ra và sự chờ đợi trở thành mòn mỏi. Một tiếng đồng hồ tôi lại check mail một lần, và con số ở hộp thư đến vẫn mãi dậm chân tại chỗ.

Mãi cho đến một tuần sau…
Một rưỡi sáng, 16/2, tôi chuẩn bị đi ngủ và check mail thì thấy có thư của anh. Thực sự hồi hộp và tỉnh cả ngủ, tôi đọc bức thư anh gửi trong niềm vui và hân hoan. Mọi thứ thực sự không quá nặng nề như tôi tưởng. Anh reply mail rất thoải mái và gần gũi. Có vẻ anh biết tôi có ấn tượng rất lớn với tác phẩm của anh và điều đấy chắc làm anh rất vui. Anh kể rằng vào hồi tháng 11 năm 2009, anh cùng bạn gái anh khi đó ra Hà Nội, cụ thể là nhà khách NXB Kim Đồng ở đoạn giao Quang Trung – Hồ Xuân Hương, sau đó có đi dạo xung quanh đó. Anh nói rằng anh “khá chắc chắn nó là vị trí trong bức hình 3D map, nhưng có thể bị nhầm và vị trí đó ở khu vực lân cận”. Anh có đưa cho tôi một screenshot anh chụp hình 3D map của phố Trần Hưng Đạo qua google, đoạn gần nút giao Thợ Nhuộm và Bà Triệu, cùng với lời ngỏ ý tôi đi qua đó ngó giùm anh một lần xem sao.

Dù tôi vẫn chưa xác thực được 100 % về thông tin anh đưa cho, tôi vô cùng vui mừng khi nhận được tên Trần Hưng Đạo. Có được cái tên Trần Hưng Đạo là tôi có thêm hướng đi rồi. Tôi bắt đầu bằng việc tìm ảnh phố Trần Hưng Đạo (thực sự là ý tưởng cực kì tồi, đến bây giờ nghĩ lại thì tôi thấy lúc đó tôi ngu quá, chắc do lúc ý đã khuya rồi não tôi không hoạt động được tốt lắm @@). Không thu được thông tin gì đáng giá, tôi tiếp tục thử search “trần hưng đạo” và lựa chọn khung thời gian tầm giai đoạn 10 năm trước. Tuy nhiên các bức ảnh tôi thu được từ một trang web về các con phố ở Hà Nội là rất hạn chế. Nhớ đến tấm biển quảng cáo, tôi nảy ra hướng “osram” “trần hưng đạo” nhưng kết quả trả về một loạt những cơ sở thuộc đường Trần Hưng Đạo, Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng còn phải suy nghĩ về chuyện reply cho anh nữa. Thấy có nhiều việc, tôi quyết định đi ngủ và sau khi dậy sẽ thực hiện.

Trưa 16/2, tôi tiếp tục công việc tìm kiếm với niềm hưng phấn tột độ là tôi đang sắp đến đích rồi. Tôi hoàn toàn cảm thấy được là tôi đã gần đến đích. Dẫu vậy, cụm từ “osram” “trần hưng đạo” không cho tôi nổi một địa chỉ thích hợp. Tôi search tiếp “osram” “trần hưng đạo” “hà nội” nhưng cũng không tìm được gì hơn. Lúc đó tôi bắt đầu nghi ngờ về sự chính xác từ thông tin của anh đưa ra, vì chính anh cũng nói là anh “có thể bị nhầm”. Không thỏa mãn, do ngày hôm đó tôi đang ở quê, nên thay vì phi xe ra tận nơi chứng kiến, tôi lặn lội trên 3D map của google mong tìm được một thứ gì đó xác nhận được địa điểm, như anh nói “cảnh vật có vẻ hơi khác, bên kia đường có building bự, cây xanh ít đi, hàng quán cũng khác, maybe người ta đổi chủ, chỉnh trang sau hơn 10 năm”.
Và sau 30 phút lướt ngược lướt xuôi trên google map thì tôi đã cực kì xúc động khi nhận ra chứng nhân lịch sử thực sự vẫn còn ở đó, cách nơi tác giả chỉ cho tôi tầm vài chục mét. Chẳng nhẽ tôi đã không hề để ý dù đã đi qua Trần Hưng Đạo nhiều lần? Qua google map, tôi có thể thấy rõ tấm biển quảng cáo OSRAM vẫn còn đó, gắn trên bức tường bên cạnh có cánh cửa ghi số 67 trên đường Trần Hưng Đạo. Hình dáng căn nhà bên cạnh với cửa chính, cửa sổ và mái hiên, cả quán café có đôi hàng cây hai bên, cũng như hai gốc cây to trên vỉa hè, tất cả đều trùng khớp với trong tranh. Tung-monster vẫn nhớ rõ. Anh ấy không sai. Cụm “osram” “trần hưng đạo” chỉ trả về một vài cơ sở phân phối đèn ở Trần Hưng Đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi search “osram” “67 trần hưng đạo”, kết quả đã trả về cho tôi đúng Công ti CEMCO, chính xác ở 67 Trần Hưng Đạo, nơi có phân phối thiết bị của OSRAM, và cũng là nơi treo tấm biển suốt từ những ngày cuối năm 2009! Dựa theo bóng nắng của người trong tranh ngả về phía sau, cùng với hướng đi theo hướng lùi của dãy phố, và bản thân tôi biết con phố Trần Hưng Đạo nằm gần đúng trục Đông – Tây, tôi còn biết thêm được cô gái đang đi về hướng Đông, và mặt trời khi đó đang ở phía Đông, tức là thời gian trong tranh là buổi sáng.

Và một buổi sáng tôi đã đứng ở đây, chụp một tấm hình của con phố vắng tại Hà Nội. Có thể những kỉ niệm đã qua, và hiện tại những người vốn ở bên nhau hồi đó nay đã có những cuộc sống riêng, hạnh phúc và thành đạt, nhưng những chứng nhân lịch sử vẫn còn đó. Hóa ra tấm biển OSRAM thực sự đã biến mất. 3D map đã show cho tôi tấm ảnh chụp từ tháng 10 năm 2018. Vậy là tôi đã đúng khi chọn sự trợ giúp hỏi ý kiến tác giả, thay vì cứ ngồi trên xe mãi đi tìm một thứ đã chỉ còn trong dĩ vãng. Điều này làm tôi đỡ cái cảm giác xấu hổ, chứ nếu không tôi sẽ mang tiếng là lên xe đi tìm tấm biển khắp mọi nơi, đi qua Trần Hưng Đạo nhiều lần rồi mà lại không để ý thấy. Thứ mà tôi tưởng là bốt cảnh sát hóa ra là trạm gác cổng vào Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda. Còn dãy lan can bên kia đường làm tôi tưởng nơi đây là Kim Mã, thực ra là dãy hàng rào bao khuôn viên của đại sứ quán Ấn Độ. Hàng cây xanh vẫn vậy, tôi đã nhận ra được ngay từ trong ảnh 3D map rồi.

“Xa dần năm tháng
Con đường vẫn thế…”

Mượn những lời cuối của Chiều nay không có mưa bay, dù cũng không hẳn là đã đúng. Con đường xưa trong tranh vẫn vậy, nhưng vỉa hè thì đã có khác rồi. Nhưng thôi bỏ đi, cái tôi muốn nói hơn là, cái cảm giác khi được đứng ở đây thực sự khó tả. Ai đó mười một năm trước đã từng qua đây, gieo những dấu chân, gieo những kỉ niệm của họ xuống nơi đây. Mười một năm sau, tôi đứng đây, chân giẫm lên con phố phủ đầy kỉ niệm, không phải chỉ của riêng ai, mà là những kỉ niệm của rất nhiều người đã từng sống, từng đến Hà Nội, mà có thể sau rất nhiều năm, mỗi khi chúng ta đi qua, chúng ta lại làm những kỉ niệm đó sống dậy, như lớp bụi bốc bay lên theo từng bước chân. Ở nơi đây, vào sáng một ngày đầu đông, có hai người đã cùng nhau tạo nên những kỉ niệm riêng tại Hà Nội, và dù sau này họ đã có cho nhau lối đi riêng, tôi ở đây để biết rằng, có một ngày, họ đã bên nhau như thế!
Phải nói là từ khi tôi bắt tay vào việc này, tôi cảm thấy tôi như một truth seeker vậy. Cái cảm giác đấy là động lực để tôi mỗi ngày lại tiếp tục tìm kiếm và lục lọi thêm một chút. Và cho dù hướng đi của tôi có không được độc lập và lớn lao cho lắm, trong cái khoảnh khắc tôi nhìn thấy tấm biển OSRAM trên hình 3D map của google, tôi đã bắt đầu hiểu được cái cảm giác của Robert Langdon khi tìm đến Louvre. Và rồi vào cái buổi sáng tôi đứng tại nơi đây, dẫu cho đã chuẩn bị trước mọi thứ về mặt tinh thần, tôi không thể ngăn được việc biến một thằng con trai 22 tuổi trở thành đứa trẻ con khi tay cầm chiếc điện thoại chụp lại khung cảnh giống như trong tranh, trong khi hai mắt thì ướt đầy nước. Với tôi, đó là buổi sáng dễ chịu nhất tôi từng tận hưởng.
Buổi sáng đó, là sáng hôm nay…
Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 2021
Tùng Nguyễn
.
Tóm tắt (tldr): Ấn tượng mạnh với bức tranh Phố vắng về cả nội dung lẫn những thông tin đằng sau nó, tôi lặn lội đi tìm địa điểm thực của bức tranh. Sau nửa năm tìm kiếm dựa vào những chi tiết nhỏ trong tranh nhưng vẫn bế tắc, tôi liên hệ trực tiếp tác giả và từ những thông tin của anh, tôi tìm đến đúng nơi cảnh vật đã được anh đưa vào tranh vẽ và tạo nên một tác phẩm lung linh – số 67 đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
.
P.s 1: Những ai muốn biết khuôn mặt của người trong tranh, có thể tự mình tìm kiếm những thông tin của chị ở link deviantart, dưới bức tranh Phố vắng của anh Tùng. Về phía tác giả, anh hiện đang là một freelance illustrator, sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mọi người có thể tìm hiểu về anh thông qua các từ khóa như Tung-Monster, tuy nhiên đừng làm phiền ảnh nha. Ngoài ra, thực sự phải nói lời cảm ơn anh vì đã rất trung thực với bức tranh, làm cho mọi thứ tôi bấu víu vào để tìm kiếm đều rất có cơ sở và có thực. Tấm biển OSRAM được vẽ một nửa với tông màu nổi bật trong tranh chính là chìa khóa đưa tôi tìm đến con phố ngoài đời thực.

P.s 2: Ảnh chụp con phố lúc sáng nay tôi không thể căn chỉnh cho giống hệt trong tranh được, vì cái nơi cần đứng để có góc ảnh đúng lại có một cái xe đang đỗ rồi @@. Tôi chắc sẽ quay lại để chụp một tấm hoàn hảo hơn, đúng góc hơn. Ngoài ra thì…cái thùng rác… Grrrrrr…
P.s 2: Search youtube “Chiều nay không có mưa bay” và tìm video có thumbnail Phố vắng để thường thức the combination of two powers nếu mọi người thích.

P.s 3: Biển số xe của chiếc Dream mãi mãi là một ẩn số.

Post a Comment

Previous Post Next Post